Cùng tìm hiểu về phương pháp sơn phủ lớp bảo vệ cho gỗ tự nhiên: Dầu lau gỗ và Sơn Pu (Polyurethane) thông qua so sánh về thành phần, cách hoạt động, cũng như khả năng bảo vệ gỗ.
Nếu không có lớp sơn phủ hoàn thiện cuối cùng để bảo vệ khỏi các tác động của nhiệt độ, môi trường; gỗ sẽ dễ gặp các vấn đề cong vênh, mối mọt, ẩm mốc hay trông như ổ bánh mì hết đát.
Vậy nên lớp sơn phủ bề mặt đóng vai trò rất-rất quan trọng. Và thường thì chúng ta có hai lựa chọn phổ biến, đó là sử dụng Sơn PU hoặc Dầu lau gỗ.
Để so sánh những ưu điểm, nhược điểm của hai phương pháp này. Chúng ta sẽ tìm hiểu về: Thành phần, Khả năng bảo vệ gỗ, Nồng độ VOC, Khả năng sửa chữa.
Cùng nói về thành phần (một cách dễ hiểu)
PU (Polyurethane) là một vật liệu tổng hợp được tạo ra bằng cách kết hợp hai thành phần chính: Polyol và Di-Isocyanate, hay đơn giản hơn, thì là nhựa và một vài chất hóa học khác. Khi các thành phần này phản ứng, chúng tạo thành chuỗi Polyme dài và có cấu trúc nhiều lớp. Bề mặt gỗ được phủ sơn PU giống như được bao bọc bằng lớp màng nhựa chắc chắn.
Dầu lau gỗ (Hardwax oil) là sự pha trộn của các thành phần tự nhiên, chủ yếu là dầu thực vật (dầu hạt lanh, dầu đậu nành, dầu tung,...) và sáp (thường là sáp ong). Thay vì tạo thành lớp màng kín, dầu thẩm thấu và len lỏi vào sợi gỗ, tăng cường liên kết và trở thành một phần của cấu trúc gỗ. Điều này giúp gỗ vẫn “thở” được, vì bề mặt gỗ cũng giống như da mặt của chúng ta: có vô vàn những lỗ chân lông và cần được skin-care. Cảm nhận của tay khi chạm vào vân gỗ cũng sẽ rất rõ ràng.
Khả năng bảo vệ gỗ
Nếu so sánh về khả năng bảo vệ gỗ khỏi nước hay lau chùi các vết bẩn, thì sơn PU đảm nhiệm việc này tốt hơn so với dầu lau gỗ.
Có một điểm chúng ta cần lưu ý: gỗ là vật liệu hút ẩm, có khả năng hấp thụ và giải phóng độ ẩm để đạt được trạng thái cân bằng với môi trường. Các lớp hoàn thiện bảo vệ vẫn không phải là rào cản hoàn toàn chống thấm nước. Những dao động về độ ẩm vẫn có thể khiến gỗ giãn ra hoặc co lại một chút.
Dầu lau gỗ giúp việc hấp thụ / giải phóng hơi nước được kiểm soát và nhất quán hơn do không có lớp màng bọc như sơn PU. Việc này giúp gỗ thích nghi dễ dàng và được kiểm soát tốt hơn đối với các thay đổi về độ ẩm tương đối (relative humidity), giảm khả năng bị cong vênh hơn.
Nồng độ VOC
VOC là viết tắt của cụm từ Volatile Organic Compounds, có nghĩa là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi ở điều kiện áp suất và nhiệt độ bình thường.
Có một vài loại VOC được đánh giá là độc hại và tác động tiêu cực đến sức khỏe chúng ta về ngắn hạn và dài hạn, lượng lớn đến từ các phương tiện sử dụng nguyên liệu hóa thạch và nhà máy sản xuất công nghiệp.
Một số loại sơn PU phải kết hợp với dung môi gốc cồn hoặc dầu hỏa, dễ bay hơi và giải phóng nhiều VOC vào không khí hơn.
Dầu lau gỗ thường có hàm lượng chất rắn cao, nghĩa là chứa ít dung môi bay hơi và do đó ít VOC thải ra hơn. Một số loại dầu lau gỗ đạt chỉ số 0% VOC.
Khả năng sửa chữa
Giả sử đồ gỗ bị va đập, làm trầy đi lớp màu sơn phủ thì khả năng “tô màu” lại có dễ hay không?
Với dầu lau gỗ thì hoàn toàn dễ dàng lau dầu vào đúng vị trí bị trầy xước và vẫn nhất quán với lớp hoàn thiện trước đó.
Còn sơn PU sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn vì sẽ phải xử lý lại toàn bộ bề mặt và sơn lại các lớp.
Blog bổ ích, giải thích dễ hiểu và gần gũi dễ tiếp cận quá. Mong chủ blog ra thêm bài mới 🌷